Cập nhật thông tin chi tiết về Sự Cần Thiết Phân Biệt Các Khái Niệm Từ Gốc, Từ Mượn, Từ Ngoại Lai Và Từ Ngoại Trong Nghiên Cứu Từ Vựng Tiếng Việt mới nhất trên website Tvzoneplus.com. Hy vọng nội dung bài viết sẽ đáp ứng được nhu cầu của bạn, chúng tôi sẽ thường xuyên cập nhật mới nội dung để bạn nhận được thông tin nhanh chóng và chính xác nhất.
Thực tế trong những năm gần đây khi phân tích từ vựng tiếng Việt về mặt nguồn gốc, nhiều luận văn cao học và luận án tiến sĩ thường phân biệt từ thuần Việt với từ Hán Việt như là sự đối lập giữa một bên là từ bản ngữ và một bên là từ ngoại lai. Nhưng vì các khái niệm từ thuần Việt và từ ngoại lai chưa được xác định rõ ràng nên các số liệu thống kê thường ít có giá trị.
Về lí luận, có thể hiểu từ vựng thuần Việt là những từ ngữ vốn có của tiếng Việt, còn từ vựng ngoại lai là những từ ngữ mà tiếng Việt mượn của các ngôn ngữ khác. Tuy nhiên, trong thực tế việc nhận diện đâu là từ thuần Việt, đâu là từ ngoại lai không phải dễ dàng.
Hiện nay, đa số các nhà ngôn ngữ học quan niệm tiếng Việt là một ngôn ngữ thuộc nhóm Việt – Mường, tiểu chi Việt – Chứt, nằm trong khối Việt Katu, thuộc khu vực phía đông của ngành Mon – Khơ-me, họ Nam Á. Nếu chỉ coi những từ gốc Nam Á trong tiếng Việt mới là các từ thuần Việt thì số lượng các từ thuần Việt chẳng đáng là bao. Công trình sưu tập được nhiều nhất những từ gốc Nam Á trong tiếng Việt là cuốn Lược khảo lịch sử từ vựng tiếng Việt của Vũ Đức Nghiệu [6]. Trong công trình này, ông thu thập được 362 từ có nguồn gốc Việt – Mường, 145 từ có nguồn gốc proto Việt – Mường, 520 từ có nguồn gốc proto Mon – Khơ-me và khoảng 90 từ có sự tương ứng với các ngôn ngữ Nam Á khác.
Dường như không ai quan niệm chỉ những từ gốc Nam Á trong tiếng Việt mới là các từ thuần Việt. Nếu hiểu từ thuần Việt là những từ vốn có của tiếng Việt thì khi tiếng Việt tách khỏi tiếng Mường để hình thành một ngôn ngữ riêng ở miền châu thổ sông Hồng, từ vựng tiếng Việt đã có sự hoà đúc của các yếu tố Nam Á, Thái Kadai, Hán cổ và cả các yếu tố Nam Đảo nữa.
Những từ sau đây có sự tương ứng với các ngôn ngữ Tày Thái:
– bãi (đất), bánh, bắt, bóc, buộc, bừa, bún, bé, bưởi, ba ba, băm, bón (cơm), bít.
– cối, củi, cà, cá, cụt, cam, cải, cọn, cửi, cầm, cắt, cong, cứng.
– chả, chàm, chắt, chũm, chóc (chim), chấm, chùm, chuột, chạc (dây), (cuộn) chỉ, chèo, (ghi) chép, chọc.
– dần, dăng, dao phay, dứa, dừ, diều (hâu), dò, dột, dài, dám, dùn.
– đâm, đường, đực, đặt, đập, đậu, đọi, đĩa, đũng, đồn, đít, đóm, đòn, đò, (giã) đám, đồi, đắp, đốn, đôi.
– gáy, gọt, guốc, giạng, gỏi, giang, ghém, guồng, go (dệt vải).
– hái, hóp, hông (xôi).
– kim, kén, kho (thịt), khuấy, (nằm) khàn.
– lội, lau, (cơm) lam, luộc, lỗ, lấp, lút, lấm, lô (hàng).
– miếng, mướp, muỗm, muôi, méo, mít, má (chó má), mèo, mọt, mợ, (khoai) môn, (rau) muống, mắm, mương, mủng, mùa, mảnh, (mưa) móc, (sương) mù, mới.
– neo, nong, nơm, nộm, nà, nếp, nụ, ninh, núi, (mặt) nạc, nói, nom, noi, nợ, này, nọ.
– ngả (đường), ngắt, ngẫm, ngơi, ngọn, ngó, ngạnh, nghe, ngám, nghiêng.
– nhắm (rượu), nhuộm, nhổ (cỏ), nhọc, (nhỏ) nhoi.
– ổi, ớt, ức, ang, om, ách (trâu), ôm, ở, úp.
– phang, phai, (mưa) phùn, phất, phồng.
– quăng, quế, quạ, qua, quét, quặt, (nói) quàng, quen, quẹo.
– rẫy, rả (cỏ rả), rượu, rót, rang, rào, rác, rống, rút, rụng, rao, rồi, rốt.
– sả, sàng, suốt, suối, sóng, sàn (nhà).
– tẻ, tuồn, tốt, tiếng.
– (bên) trái, trai.
– thuồng luồng, thóc, trống, (rau) thơm, thoi, thóc, thêm, theo, thuộc (bài).
– vai, váng, vãi, vựa, vải, vịt, vó, vũng, vặn, vác, vập, vá, vén, văng, vắng, vét, vái, vò, vụng, việc.
– xa (dệt vải), xỏ (xin xỏ), xoã (tóc).
Những từ sau đây có sự tương ứng với các ngôn ngữ Việt Mường và Tày Thái:
– bao, bát, bể, cày, dao, đen, gạo, giặt, may, ngà voi, phân, sống, than, trùn…
Những từ sau đây có nguồn gốc Nam Đảo:
– bà, bác, bu, bông (hoa), bụi, bự.
– cá, càng (cua), cuối, cây.
– đã, đang, đen, đứng, đất, đường, đêm.
– kiếm (tìm), kia, kìa.
– là, làm, lắm, lưỡi, lở, lâu.
– mai, mãi, muốn, mà, mắt, mù, mửa, mê.
– nay, này, nếu, nó, ngó, nấu, ná, nghe, ngày.
– sữa, sáng, sông cái, sai, sắc, súng.
– ta, tai, tỏ, trỏ, trắng, thưa, trâu, trứng, trăng, trả, tới, trái, trốc.
– uống, vai, xa, ván.
Những từ sau đây có sự tương ứng với tiếng Hán cổ:
– bia, bụa, buồm, buồn, buồng, beo, bưng, bụt, bay, buộc, buông, bùa, búa, bụa, bố.
– cả, cải, chè, chém, chén, chìm, chúa, chuông, chuộng, chứa, cởi, chiếc, chuộc, chưng, chiêng, chiềng, chừng.
– đũa, đục, đuổi.
– hẹn, hòm, hè, hộp, hẹp.
– keo, kim, khoe, khua.
– lìa, lừa, lầu, liềm, lồng.
– mả, mạng, mèo, mẹo.
– ngà, ngói, ngựa, nộp, nôm, ngược, ngửa, ngan, nhuốc.
– qua, quẻ, quán, quen.
– thua, tựa, tiêc, tiếc, thêu, tía, tua, thước, thưa, thủa, than, thím, tin.
– vua, vẽ, vần.
– xe, xét, xưa.
Như vậy, những từ gốc Nam Á, gốc Tày Thái, gốc Nam Đảo, gốc Hán đã có mặt khi tiếng Việt hình thành thì đều được coi là những từ thuần Việt. Chỉ nên coi là từ mượn những từ tiếng Việt tiếp nhận của các ngôn ngữ khác sau khi tiếng Việt đã hình thành. Đó chính là những từ ngữ tiếng Việt mượn của tiếng Hán, của các ngôn ngữ Ấn – Âu và các các ngôn ngữ khác. Vấn đề đặt ra là có nên đồng nhất từ mượn với từ ngoại lai, đối lập với từ thuần Việt được coi là từ bản ngữ hay không?
Như ta biết, các từ mượn các ngôn ngữ khác đều được Việt hoá với mức độ khác nhau về các mặt ngữ âm, ngữ nghĩa và ngữ pháp. Nhiều từ mượn đã Việt hoá đến mức khó mà phân biệt với từ bản ngữ. Nếu quan niệm từ thuần Việt chỉ là những từ vốn có khi tiếng Việt mới hình thành thì sẽ không thấy sự biến đổi, phát triển của bản thân tiếng Việt. Quan niệm như vậy khiến cho số lượng từ bản ngữ chẳng đáng là bao so với các từ ngoại lai và không phản ánh đúng bản chất của tiếng Việt. Bản sắc của tiếng Việt không phải chỉ là những yếu tố vốn có của tiếng Việt mà còn bao gồm cả những yếu tố tiếng Việt tiếp nhận của các ngôn ngữ khác biến nó thành bộ phận không thể thiếu của mình. Vì thế, những từ mượn các ngôn ngữ khác nhưng có mức độ Việt hoá cao cũng được coi là những từ thuần Việt. Những từ mượn có mức Việt hoá thấp, vẫn còn giữ dấu ấn của ngoại ngữ thì được gọi là từ ngoại lai. Cho nên, bên cạnh khái niệm từ thuần Việt, cần phân biệt các khái niệm từ gốc, từ mượn, từ ngoại lai và từ ngoại khi phân tích từ vựng tiếng Việt.
Những từ ngữ mượn tiếng Hán được chia thành hai loại: những từ ngữ mượn tiếng Hán đọc theo âm Hán Việt và những từ ngữ mượn tiếng Hán không đọc theo âm Hán Việt.
C ách đọc Hán – Việt là cách đọc chữ Hán ở Việt Nam của người Việt Nam. Cách đọc đó phản ánh dạng ngữ âm của chữ Hán thời Đường được dạy và học ở Việt Nam lúc bấy giờ. Tất nhiên, so với dạng ngữ âm của chữ Hán đời nhà Đường thì cách đọc Hán – Việt cũng đã được Việt hoá ít nhiều cho phù hợp với hệ thống ngữ âm của tiếng Việt thời đó. Từ khi xuất hiện cách đọc Hán Việt thì tất cả các từ ngữ Hán được tiếng Việt mượn bằng con đường sách vở đều đọc theo âm Hán Việt và được gọi là từ ngữ Hán Việt. Những từ ngữ như chủ nghĩa xã hội, tư bản chủ nghĩa, cách mạng dân tộc, kinh tế, chính trị, v.v. mặc dù mới được mượn trong thời hiện đại nhưng chúng vẫn được phát âm theo cách đọc Hán Việt, tức là cách đọc chữ Hán ở Việt Nam thời nhà Đường.
Những từ ngữ Hán Việt gồm hai loại là: những từ ngữ Hán Việt mượn nguyên khối từ tiếng Hán và những từ ngữ Hán Việt được cấu tạo ở Việt Nam.
Về nguồn gốc, có thể phân những từ ngữ Hán Việt mượn nguyên khối từ tiếng Hán thành 3 loại nhỏ:
– Những từ ngữ vốn có trong tiếng Hán, thí dụ: anh hùng, bá quyền, v.v.
– Những từ ngữ gốc Nhật , thí dụ: ám thị, biên chế, biểu quyết, dân chủ, kế hoạch, v.v.
– Những từ gốc Nam Á và tiếng Việt, thí dụ: cảm lãm, phù lưu, tân lang, dạ tử, tiêu (chuối), giang (sông), v.v.
Những từ ngữ Hán Việt được cấu tạo ở Việt Nam gồm hai loại: những đơn vị do các yếu tố Hán Việt tạo thành, thí dụ: thủ pháo, cách trở, kỉ vật, sinh tố,… và những đơn vị do các yếu tố Hán Việt và thuần Việt tạo thành, thí dụ: binh lính, cướp đoạt, đói khổ, tàu hoả,… Đối với những đơn vị do các yếu tố Hán Việt tạo thành, cần phân biệt hai trường hợp:
– Thuận cú pháp tiếng Hán, thí dụ: hải phận, không quân, lâm tặc, tâm hồn, v.v.
– Nghịch cú pháp tiếng Hán, thí dụ: điểm cao, trưởng khoa, trưởng phòng, trưởng ti, v.v. Bởi vì ấn tượng về tính ngoại lai của đơn vị từ vựng là do tính chất của các yếu tố cấu tạo và quan hệ cú pháp giữa chúng gây nên, cho nên các đơn vị do các yếu tố Hán Việt tạo thành thuận theo cú pháp tiếng Hán có thể xếp vào diện các từ ngoại lai gốc Hán. Cách giải quyết này xuất phát từ một thực tế là đa số người Việt không phân biệt được từ Hán Việt mượn nguyên khối của tiếng Hán và từ Hán Việt cấu tạo ở Việt Nam. Những đơn vị được cấu tạo bằng các yếu tố Hán Việt nhưng thuận theo cú pháp tiếng Việt và những đơn vị được cấu tạo bằng yếu tố Hán Việt + yếu tố thuần Việt thì có thể xếp vào bộ phận từ vựng thuần Việt bởi vì mức độ Việt hoá trong những trường hợp như vậy cao hơn.
Những từ ngữ mượn tiếng Hán không đọc theo âm Hán Việt là những từ Hán Việt Việt hoá, thí dụ: vá, vốn, gan, gần, giấy, lại, lẽ, v.v. và những từ mượn tiếng Hán qua con đường khẩu ngữ mà chủ yếu là khẩu ngữ của một địa phương nào đó, thí dụ: mì chính, vằn thắn, quẩy, ca la thầu, lục đậu xá, wosu, confu, v.v.
Về mặt nguồn gốc, những từ Hán Việt Việt hoá là những từ gốc Hán, nhưng vì đã Việt hoá ở mức độ cao cho nên nói chung người Việt không coi chúng là những từ ngoại lai mà coi chúng là những từ thuộc bản ngữ – những từ thuần Việt. Chỉ nên coi là từ ngoại lai những từ gốc Hán đa âm tiết đọc theo cách phát âm địa phương, như mì chính, vằn thắn, quẩy, ca la thầu, lục đậu xá, wosu, confu. Từ mượn tiếng Hán đọc theo cách phát âm địa phương, có hình thức trùng với âm tiết, như quẩy cũng khó phân biệt với từ thuần Việt.
Đến đây chúng ta có thể phân biệt các khái niệm: từ gốc Hán, từ mượn Hán, từ Hán Việt, từ ngoại lai gốc Hán và từ Hán. Tất cả những từ bắt nguồn từ tiếng Hán được gọi là từ gốc Hán trong tiếng Việt. Tuy nhiên, không phải tất cả các từ bắt nguồn từ tiếng Hán đều được coi là từ mượn Hán. Những từ Hán cổ vốn có trong tiếng Việt từ khi tiếng Việt mới hình thành, do đó phải coi chúng thuộc lớp từ thuần Việt, tức là lớp từ bản ngữ chứ không phải từ mượn Hán. Chỉ nên coi là từ mượn Hán những từ gốc Hán được người Việt Nam tiếp nhận của tiếng Hán sau thời kì hình thành ngôn ngữ dân tộc. Những từ mượn Hán có thể đọc theo âm Hán Việt hoặc không đọc theo âm Hán Việt. Từ Hán Việt là những từ mượn tiếng Hán đọc theo âm Hán Việt. Tuỳ theo mức độ Việt hoá mà một bộ phận các từ mượn Hán được người Việt Nam coi là thuần Việt. Do có tính Việt hoá ở mức cao nên những từ Hán Việt Việt hoá cũng được coi là những từ thuần Việt. Chỉ những từ mượn Hán có mức độ Việt hoá thấp mới được coi là những từ ngoại lai gốc Hán. Từ ngoại lai gốc Hán bao gồm những từ Hán Việt mượn nguyên khối từ tiếng Hán, những từ Hán Việt được cấu tạo ở Việt Nam dựa vào yếu tố Hán Việt và cú pháp tiếng Hán và những từ tiếp nhận qua con đường khẩu ngữ địa phương chưa Việt hoá cao. Như vậy, không phải tất cả các từ mượn Hán đọc theo âm Hán Việt đều là từ ngoại lai. Theo GS. Nguyễn Tài Cẩn, có đến 25% từ Hán Việt hoạt động tự do, thí dụ: tuyết, trúc, ong, v.v. Những từ Hán Việt hoạt động tự do cũng nên coi là những từ thuần Việt. Những từ Hán (đọc theo âm Hán Việt) chưa được tiếng Việt mượn chính là các từ ngoại. Trong tiếng Việt, những từ nước ngoài đã nhập hệ thì được gọi là từ ngoại lai, những từ nước ngoài chưa nhập hệ thì gọi là từ ngoại.
Nhìn chung, đối với hiện tượng tiếp nhận từ vựng của các ngôn ngữ Ấn – Âu trong tiếng Việt cần chú ý:
a) Tiếng Việt chỉ mới tiếp xúc với các ngôn ngữ Ấn – Âu trong thời gian gần đây, sau khi đã tiếp nhận một cách có hệ thống rất nhiều từ gốc Hán, cho nên những từ tiếng Việt tiếp nhận của các ngôn ngữ Ấn – Âu chỉ có tính chất lẻ tẻ không thành hệ thống như các từ tiếp nhận của tiếng Hán. Đồng thời những từ tiếng Việt tiếp nhận của các ngôn ngữ Ấn – Âu cũng chỉ tập trung vào một số lĩnh vực nhất định, thường là các thuật ngữ khoa học kĩ thuật.
b) Tiếng Việt và tiếng Hán cùng là các ngôn ngữ đơn lập, các từ tiếp nhận của tiếng Hán dễ dàng nhập hệ hơn là các từ tiếp nhận của các tiếng Ấn Âu, cho nên thường xảy ra hiện tượng tiếng Việt không tiếp nhận trực tiếp các ngôn ngữ Ấn – Âu mà tiếp nhận gián tiếp qua tiếng Hán (các từ tiếp nhận kiểu này được xếp vào các từ gốc Hán).
c) Ngoài hiện tượng tiếp nhận cả về hình thức lẫn ý nghĩa của các từ ngôn ngữ Ấn – Âu, trong tiếng Việt còn có cả những từ ngữ có tính chất sao phỏng: chắn bùn, chắn xích, chiến tranh lạnh, giết thời gian, v.v. là sao phỏng garde bou, garde chaine, guerre froide, tuer le temps, v.v. của tiếng Pháp. Các đơn vị từ vựng như: kế hoạch năm năm, thi đua xã hội chủ nghĩa, vườn trẻ, v.v. là sao phỏng của các từ Nga tương ứng.
Về mặt nào đó, từ sao phỏng là những từ được cấu tạo bằng cách dịch từng yếu tố có tính chất hình thái học của các từ nước ngoài. Nhưng đối với tiếng Việt việc dịch các thuật ngữ Ấn Âu là cả một công việc có tính chất sáng tạo bởi vì cơ cấu của tiếng Việt và ngôn ngữ Ấn Âu khác nhau rất xa. Dấu ấn bản ngữ ở những từ sao phỏng thuật ngữ Ấn – Âu rất rõ.
Theo quy luật chung, tất cả các từ mượn trong tiếng Việt đều có sự biến đổi về ngữ âm sao cho phù hợp với hệ thống ngữ âm của tiếng Việt.
Mức độ Việt hoá các từ mượn các ngôn ngữ Ấn – Âu không giống nhau. Những từ tiếp nhận bằng con đường khẩu ngữ thường được Việt hoá nhiều hơn các từ tiếp nhận bằng con đường sách vở.
Nhiều từ mượn các ngôn ngữ Ấn – Âu đã Việt hoá cao độ, không khác gì các từ thuần Việt, thí dụ: săm, xích, líp, lốp, gác, bốt, kem, bơ, cuốc, bơm, van, phanh, gam, v.v.
Trong hiện tượng trộn mã, chẳng hạn, những cách viết trộn nhiều từ Anh, từ Pháp vào tiếng Việt như: ” Sorry mày nha, tối qua papa với mama cắt cơm, money hết sạch, chứ không thì tao đi overnight với tụi bay rồi. Từ đây tới chiều có chương trình gì phone cho tao một tiếng. See you.” (Báo Hoa học trò, 2002) thì những từ gốc ngoại nên coi là từ ngoại, tức là những từ của ngoại ngữ chứ chưa phải là từ mượn trong tiếng Việt.
Như vậy, nếu xác định từ thuần Việt không chỉ căn cứ vào nguồn gốc mà căn cứ cả vào quá trình vận động và phát triển của tiếng Việt thì từ thuần Việt không đối lập với từ mượn mà đối lập với từ ngoại lai. Từ ngoại lai trong tiếng Việt là những từ mượn của các ngôn ngữ khác vẫn còn giữ dấu ấn của ngoại ngữ. Những từ mượn của ngôn ngữ khác nhưng có sự đồng hoá cao thường được coi là từ bản ngữ, thuần Việt. Dấu ấn để được coi là có mức độ Việt hoá cao là từ có hình thức của một âm tiết, hoạt động tự do. Trong bối cảnh như thế, những từ vốn là bản ngữ nhưng hiện nay có cấu trúc không nhập hệ, tức là có những nét không nhập hệ vào cấu trúc đương thời của tiếng Việt (thí dụ: leng keng, eng éc, mèng, béng, bù nhìn, mồ hóng, mồ hôi, lê ki ma, v.v.) lại nên xếp vào lớp từ ngoại lai. Những từ tiếng nước ngoài chưa nhập hệ được gọi là những từ ngoại.
Cách xử lí như thế là hợp lí bởi vì yêu cầu cơ bản của phép biện chứng trong khoa học là cần phải nghiên cứu các hiện tượng cả trong các mối liên hệ lẫn trong sự phát triển của chúng. Tách rời đồng đại và lịch đại sẽ hai lần vi phạm yêu cầu cơ bản đó: khi nghiên cứu ngôn ngữ về mặt đồng đại, người ta chỉ khảo sát các hiện tượng trong mối liên hệ mà không chú ý tới sự phát triển, còn khi nghiên cứu ngôn ngữ về mặt lịch đại người ta lại chỉ khảo sát các hiện tượng trong sự phát triển chứ không chú ý đến mối liên hệ. Cần phải nghiên cứu các hiện tượng ngôn ngữ cả trong mối liên hệ lẫn trong sự phát triển một cách đồng thời: trong mỗi trạng thái ngôn ngữ, phải vạch ra những hiện tượng đang lùi vào quá khứ và những hiện tượng đang xuất hiện trên cái nền của những hiện tượng ổn định, có tính chất chuẩn mực đối với trạng thái ngôn ngữ đó [3].
THƯ MỤC THAM KHẢO
1. Trần Trí Dõi, Khái niệm từ thuần Việt và từ ngoại lai từ góc nhìn của lịch sử tiếng Việt hiện nay, Ngôn ngữ, số 11, 2011.
2. Nguyễn Thiện Giáp, Từ vựng học tiếng Việt, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1985.
3. Nguyễn Thiện Giáp, Từ và nhận diện từ tiếng Việt, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1996.
4. Nguyễn Thiện Giáp, Từ và từ vựng học tiếng Việt, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2014.
5. Nguyễn Văn Khang, Từ ngoại lai trong tiếng Việt, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2007.
6. Vũ Đức Nghiệu, Lược khảo lịch sử từ vựng tiếng Việt, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2011
NGUYỄN THIỆN GIÁP 1
Từ Mượn Trong Tiếng Việt
Từ mượn trong tiếng Việt
Từ mượn và từ thuần Việt
Từ vựng tiếng Việt được chia thành 2 lớp là từ thuần Việt và từ mượn (hay từ ngoại lai).
+ Từ thuần Việt là những từ do người Việt sáng tạo và tồn tại lâu đời trong cộng đồng người Việt.
Ví dụ: vợ, chồng, ăn, uống,…
+ Từ mượn hay từ ngoại lai là những từ vay mượn của các nước khác để làm phong phú thêm vốn từ vựng tiếng Việt. Trong tiếng Việt có rất nhiều từ được vay mượn từ tiếng Hán, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga,…
Ví dụ: hạnh phúc (từ Hán – Việt), bánh ga tô (từ mượn tiếng Pháp), ti vi (từ mượn tiếng Anh),…
Phân loại từ mượn
Từ mượn trong tiếng Việt được phân làm 2 loại dựa trên nguồn gốc của từ mượn đó:
Từ Hán – Việt
+ Từ Hán – Việt là những từ được người Việt vay mượn từ tiếng Hán, nhưng được ghi bằng chữ cái La tinh.
Ví dụ: quốc gia, băng hà, anh hùng, siêu nhân,…
+ Không nên lạm dụng từ Hán – Việt vì sẽ khiến cho câu nói, câu văn trở nên thiếu tự nhiên, không phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp.
Từ vựng gốc Ấn – Âu
+ Từ vựng gốc Ấn – Âu là những từ có nguồn gốc từ ngôn ngữ Ấn – Âu.
+ Từ vựng gốc Ấn – Âu được chia thành 2 loại:
Từ mượn Ấn – Âu được Việt hóa: xà phòng, ban công, xúc xích, mù tạt,…
Từ mượn Ấn – Âu chưa được Việt hóa hoàn toàn (khi viết sẽ thêm dấu gạch ngang giữa các tiếng): ra-đi-ô, vi-ta-min, tuốc-nơ-vít, pê-ni-xi-lin,…
Nguyên tắc mượn từ
– Việc mượn từ có hai mặt tích cực và tiêu cực:
+ Mặt tích cực là góp phần làm giàu vốn từ vựng tiếng Việt.
+ Mặt tiêu cực là khiến cho tiếng Việt bị pha tạp nếu như lạm dụng thường xuyên.
– Khi mượn từ cần phải đảm bảo nguyên tắc sau: Không sử dụng tùy tiện và lạm dụng các từ mượn.
We on social : Facebook
Nhận Biết Và Phân Biệt Danh Từ Động Từ Tính Từ Trạng Từ Trong Tiếng Anh
Mình đã gặp rất nhiều người, dù đã kinh qua bao nhiêu năm học tiếng Anh ở các cấp học, học hết trung tâm này đến trung tâm khác nhưng vẫn gặp khó khăn khi phân biệt thành phần danh tính động trạng trong câu. Nghe có vẻ khó tin nhưng số trường hợp này không hề ít. Còn bạn, bạn có nằm một trong số đó không?
1/ Một số tiêu chí để phân biệt danh từ động từ tính từ trạng từ trong tiếng Anh
Trong tiếng Anh cũng như trong tiếng Việt, các thành phần tính danh động trạng là những thành phần biệt lập, không thể nhầm lẫn, góp phần tạo thành những câu văn có ý nghĩa. Những thành phần này được hoạt động một cách riêng biệt nhưng bổ trợ cho nhau, làm rõ nghĩa ý của người nói.
Và để phân biệt danh từ động từ tính từ trạng từ trong tiếng Anh, người ta sẽ dựa vào một số tiêu chí như sau :
Định nghĩa của các loại từ
Vị trí, chức năng của các loại từ
Dấu hiệu nhận biết về hình thái của loại từ đó ( bao gồm dấu hiệu nhận biết danh từ , dấu hiệu nhận biết tính từ, động từ và trạng từ)
Căn cứ vào những tiêu chí trên người học sẽ hiểu sâu sắc hơn về những loại từ đó và sử dụng theo đúng chức năng và hình thái của mỗi loại từ.
2/ Sự phân biệt danh từ động từ tính từ trạng từ trong tiếng Anh
Trong tiếng Anh, để phân biệt đâu là danh từ động từ tính từ, trạng từ, thường thì người học sẽ dựa vào các yếu tố ngoại quan trước. Yếu tố ngoại quan ở đây chính là “đuôi ” của loại từ đó, ví dụ như các đuôi của tính từ các đuôi của danh từ
Tuy nhiên cách phân biệt này chỉ là một phần và trong nhiều trường hợp sẽ không áp dụng được, nên ngoài ra người ta sẽ dựa vào chức năng, vị trí của loại từ đó để dùng cho đúng.
Như vậy, để phân biệt danh từ, động từ, trạng từ tính từ trong tiếng Anh, người học phải kết hợp các tiêu chí với nhau thì mới có cái nhìn hoàn thiện và chính xác. Mình tin chắc rằng những thông tin mình cung cấp ở trên sẽ giúp bạn tự tin hơn trong việc nhận diện và sử dụng hiệu quả những loại từ này trong cả giao tiếp hằng ngày và cách hành văn của bạn.
CHÚC CÁC BẠN HỌC TẬP HIỆU QUẢ !!!
Phân Biệt Tiếng Và Từ
Phân biệt Tiếng và từ – Cách phân định ranh giới từ là tài liệu tham khảo hữu ích dành cho giáo viên và các em học sinh lớp 4, 5. Tài liệu bao gồm các dạng bài tập cấu tạo từ về cách phân biệt tiếng từ, tìm từ đơn từ phức giúp các em học sinh biết làm các bài tập so sánh, phân loại từ và tiếng, giới từ. Mời các em cùng tham khảo tải về.
I – Ghi nhớ Phân biệt Tiếng và Từ
1. Tiếng là đơn vị cấu tạo nên từ
Tiếng có thể có nghĩa rõ ràng hoặc có nghĩa không rõ ràng.
V.D: Đất đai (Tiếng đai đã mờ nghĩa)
Sạch sành sanh (Tiếng sành, sanh trong không có nghĩa)
2. Từ là đơn vị nhỏ nhất dùng có nghĩa dùng để đặt câu
Từ có 2 loại:
– Từ do 1 tiếng có nghĩa tạo thành gọi là từ đơn.
– Từ do 2 hoặc nhiều tiếng ghép lại tạo thành nghĩa chung gọi là từ phức. Mỗi tiếng trong từ phức có thể có nghĩa rõ ràng hoặc không rõ ràng.
3. Cách phân định ranh giới từ:
Để tách câu thành từng từ, ta phải chia câu thành từng phần có nghĩa sao cho được nhiều phần nhất (chia cho đến phần nhỏ nhất). Vì nếu chia câu thành từng phần có nghĩa nhưng chưa phải là nhỏ nhất thì phần đó có thể là 1 cụm từ chứ chưa phải là 1 từ.
Dựa vào tính hoàn chỉnh về cấu tạo và về nghĩa của từ, ta có thể xác định được 1 tổ hợp nào đó là 1 từ (từ phức) hay 2 từ đơn bằng cách xem xét tổ hợp ấy về 2 mặt : kết cấu và nghĩa.
– Cách 1: Dùng thao tác chêm, xen: Nếu quan hệ giữa các tiếng trong tổ hợp mà lỏng lẻo, dễ tách rời, có thể chêm, xen 1 tiếng khác từ bên ngoài vào mà nghĩa của tổ hợp về cơ bản vẫn không thay đổi thì tổ hợp ấy là 2 từ đơn.
(Hai tổ hợp trên đã thêm tiếng đôi, rất nhưng nghĩa các từ này về cơ bản không thay đổi, do đó tung cánh và lướt nhanh là kết hợp 2 từ đơn)
Ngược lại, nếu mối quan hệ giữa các tiếng trong tổ hợp mà chặt chẽ, khó có thể tách rời và đã tạo thành một khối vững chắc, mang tính cố định (không thể chêm, xen) thì tổ hợp ấy là 1 từ phức.
(Khi ta chêm thêm tiếng sống và của vào, cấu trúc và nghĩa của 2 tổ hợp trên đã bị phá vỡ, do đó chuồn chuồn nước và mặt hồ là kết hợp 1 từ phức)
– Cách 2: Xét xem trong kết hợp có yếu tố nào đã chuyển nghĩa hay mờ nghĩa gốc hay không.
V.D: bánh dày (tên 1 loại bánh); áo dài (tên 1 loại áo) đều là các kết hợp của 1 từ đơn vì các yếu tố dày, dài đã mờ nghĩa, chỉ còn là tên gọi của 1 loại bánh, 1 loại áo, chúng kết hợp chặt chẽ với các tiếng đứng trước nó để tạo thành 1 từ
– Cách 3: Xét xem tổ hợp ấy có nằm trong thế đối lập không,nếu có thì đấy là kết hợp củ 2 từ đơn.
V.D: có xoè ra chứ không có xoè vào / có rủ xuống chứ không có rủ lên
ngược với chạy đi là chạy lại / ngược với bò vào là bò ra
Chú ý:
+ Khả năng dùng 1 yếu tố thay cho cả tổ hợp cũng là cách để chúng ta xác định tư cách từ.
V.D: cánh én (chỉ con chim én)
tay người (chỉ con người)
+ Có những tổ hợp mang tính chất trung gian, nghĩa của nó mang đặc điểm của cả 2 loại (từ phức và 2 từ đơn). Trong trường hợp này, tuỳ từng trường hợp cụ thể mà ta có kết luận nó thuộc loại nào.
II – Bài tập thực hành Tiếng và từ
Bài 1:
Tìm từ trong các câu sau:
– Nụ hoa xanh màu ngọc bích.
– Đồng lúa rộng mênh mông.
– Tổ quốc ta vô cùng tươi đẹp.
Vườn nhà em có rất nhiều loài hoa: hoa hồng, hoa cúc, hoa nhài,… Màu sắc của hoa cũng thật phong phú: hoa hồng, hoa vàng, hoa trắng,…
Bài 3:
Chép lại đoạn thơ sau rồi gạch 1 gạch dưới các từ phức:
Em mơ làm mây trắng
Bay khắp nẻo trời cao
Nhìn non sông gấm vóc
Quê mình đẹp biết bao.
Bài 4:
Chỉ ra từng từ đơn, từ phức trong đoạn thơ sau:
Ơi quyển vở mới tinh
Em viết cho thật đẹp
Chữ đẹp là tính nết
Của những người trò ngoan.
Bài 5:
Dùng gạch ( / ) tách từng từ trong các câu sau:
Bốn cái cánh mỏng như giấy bóng, cái đầu tròn và 2 con mắt long lanh như thuỷ tinh …Bốn cánh chú khẽ rung rung như còn đang phân vân.
Bài 6:
Gạch 1 gạch dọc giữa 2 từ đứng cạnh nhau trong đoạn văn sau:
Trời nắng chang chang. Hoa ngô xơ xác như cỏ may. Lá ngô quắt lại, rủ xuống. Những bắp ngô đã mập và chắc chỉ chờ tay người đến bẻ mang về.
Bài 7:
Gạch 1 gạch dưới những từ 2 tiếng trong đoạn văn sau:
Trên quảng trường Ba Đình lịch sử, lăng Bác uy nghi và gần gũi. Cây và hoa khắp miền đất nước về đây tụ hội, đâm chồi, phô sắc và toả ngát hương thơm.
Bài 8:
Dùng ( / ) tách các từ trong đoạn văn sau:
Giữa vườn lá xum xuê, xanh mướt, còn ướt đẫm sương đêm, có một bông hoa rập rờn trước gió. Màu hoa đỏ thắm, cánh hoa mịn màng, khum khum úp sát voà nhau như còn chưa muốn nở hết. Đoá hoa toả hương thơm ngát.
Bài 9:
Dùng ( / ) tách từng từ trong đoạn văn sau:
Mùa xuân đã đến. Những buổi chiều hửng ấm, từng đàn chim én từ dãy núi đằng xa bay tới, lượn vòng trên những bến đò, đuổi nhau xập xè quanh những mái nhà cao thấp. Những ngày mưa phùn, người ta thấy trên những bãi soi dài nổi lên ở giữa sông, những con giang, con sếu gần bằng người, theo nhau lững thững bước thấp thoáng trong bụi mưa trắng xoá…
Bài 10:
Tìm các từ đơn và từ phức trong các câu văn sau:
a) Nước Việt Nam xanh muôn ngàn cây lá khác nhau. Cây nào cũng đẹp, cây nào cũng quý. Nhưng thân thuộc nhất vẫn là tre nứa. Tre Đồng Nai, nứa Việt Bắc, tre ngút ngàn Điện Biên Phủ.
b) Mùa xuân mong ước đã đến. Đầu tiên, từ trong vườn, mùi hoa hồng, hoa huệ sực nức bốc lên.
c) Mưa mùa xuân xôn xao, phơi phới,… Những hạt mưa bé nhỏ, mềm mại, rơi mà như nhảy nhót.
III – Đáp án Bài tập thực hành Tiếng và từ
Bài 1:
Từ 2 tiếng: ngọc bích, đồng lúa, mênh mông, Tổ quốc, vô cùng, tươi đẹp.
Bài 3:
Từ phức: non sông, gấm vóc, biết bao.
Bài 4:
Từ phức: quyển vở, mới tinh, tính nết .
Bài 5:
Từ phức: giấy bóng, long lanh, thuỷ tinh, rung rung, phân vân.
Bài 6:
Từ phức: chang chang, tu hú, gần xa, ran ran, xơ xác, cỏ may, quắt lại, rủ xuống, bắp ngô, tay người
– Lưu ý: kết hợp lá ngô, hoa ngô, bắp ngô có cấu trúc gần như giống nhau nhưng bắp ngô có cấu trúc chặt chẽ hơn nên ta xếp vào nhóm từ phức .
Bài 7:
Từ 2 tiếng: quảng trường, Ba Đình, lịch sử, uy nghi, gần gũi, khắp miền, đất nước, tụ hội, đâm chồi, phô sắc, toả ngát, hương thơm.
– Lưu ý: khắp miền cũng có thể xếp vào nhóm 2 từ đơn
Bài 8:
Từ phức: vườn lá, xum xuê, xanh mướt, ướt đẫm, sương đêm, bông hoa, rập rờn, đỏ thắm, cánh hoa, mịn màng, khum khum, ngập ngừng, đoá hoa, toả hương, thơm ngát
– Lưu ý: sương đêm, cánh hoa, toả hương cũng có thể tách ra làm 2 từ.
Bài 9:
Từ phức: Mùa xuân, buổi chiều, hửng ấm, chim én, đằng xa, lượn vòng, bến đò, đuổi nhau, xập xè, mái nhà, mưa phùn, người ta, bãi soi, nổi lên, theo nhau, lững thững, thấp thoáng, bụi mưa, trắng xoá.
Bài 10:
Từ phức:
a) Việt Nam, muôn ngàn, cây lá, khác nhau, thân thuộc, tre nứa, Đồng Nai, Việt Bắc, ngút ngàn, Điện Biên Phủ.
b) Mùa xuân, mong ước, Đầu tiên,hoa hồng, hoa huệ, sức nức, bốc lên.
c) mùa xuân, xôn xao, phơi phới, hạt mưa, bé nhỏ, mềm mại, nhảy nhót.
Bài tập Luyện từ và câu lớp 4, 5
Phân biệt Tiếng và Từ – Cách phân định ranh giới từ bao gồm Lý thuyết và Bài tập thực hành Có đáp án chi tiết cho các em học sinh ôn tập lại các kiến thức Luyện từ và câu lớp 4, 5: Tìm từ đơn và từ phức, tách các từ trong đoạn văn.
Bạn đang xem bài viết Sự Cần Thiết Phân Biệt Các Khái Niệm Từ Gốc, Từ Mượn, Từ Ngoại Lai Và Từ Ngoại Trong Nghiên Cứu Từ Vựng Tiếng Việt trên website Tvzoneplus.com. Hy vọng những thông tin mà chúng tôi đã chia sẻ là hữu ích với bạn. Nếu nội dung hay, ý nghĩa bạn hãy chia sẻ với bạn bè của mình và luôn theo dõi, ủng hộ chúng tôi để cập nhật những thông tin mới nhất. Chúc bạn một ngày tốt lành!