Là một trong những vận động viên hàng đầu của Nike, Kobe Bean Bryant luôn được ưu ái với rất nhiều dòng giày như dòng Kobe, Venomenon, Mentality (bây giờ là Mamba Rage), Black Mamba 24 (đã ngừng). Nay sau khi “khai tử” dòng Kobe để triển khai Kobe A.D., chúng ta có thêm 2 dòng giày nữa là Kobe A.D. NXT và Kobe Protro. Tổng cộng chúng ta có 5 đôi Kobe ra mắt trong vòng một năm.
Sau màn ra mắt hơi tệ của Kobe A.D. NXT 360 để giới thiệu công nghệ Flyknit mới thì ta lại có A.D. Exodus, một đôi giày với vẻ bề ngoài tối giản tạo cảm giác khá khác biệt so với những mẫu gần đây.
I. Thiết kế, Chất liệu
Lần đầu tiên thiết kế thân liền với lưỡi gà (bootie) được sử dụng trên dòng Nike Kobe (nếu mình không nhầm), đây có lẽ là một điều mà các nhà thiết kế của Kobe vẫn luôn muốn thử. Nhìn qua thì upper của A.D. Exodus là một sự phối hợp có phần hơi “chắp vá” của bốn loại vật liệu: vải lưới ở mũi giày, sợi tổng hợp (composite fiber) ở đai quanh mũi, mút co dãn ở lưỡi gà và da tổng hợp bọc quanh chân và gót.
Midsole làm từ Lunarlon (chưa có thông báo chính thức từ Nike) với thiết kế cực Kobe như là bo lên ở gót và mũi để tăng độ chắc chắn. Một miếng Zoom khá lớn ở gót chiếm đến 1/3 chiều dài đôi giày hiện hữu cực rõ dưới đế.
Phần outsole Kobe A.D. NXT được “xào” lại thành một phiên bản phẳng phiu hơn chứ không còn bo tròn như giày chạy nữa.
Nếu như hầu hết các bản Kobe đều chật nửa size so với mình (10.5 US) thì mình lại dễ dàng xỏ chân vào 10US của AD Exodus. Điều này không làm mình ngạc nhiên vì upper của Exodus thật sự rất mỏng, ngoại trừ chút đệm mút ở lưỡi gà và quanh gót thì nó được tối giản hết mức ở các khu vực còn lại.
Chỉ có 4 quai xỏ dây nên việc mang giày vào rất đơn giản nhưng đồng thời lại tạo cảm giác hơi casual quá. Upper của Exodus có khả năng ôm rất nhẹ nhàng, hơi “tình cảm” nhưng cũng không bị tuột gót. Để mang lại độ “chặt chân” tốt nhất, lúc thắt dây bạn hãy lần lượt kéo chặt từng lỗ xỏ một để hệ thống quai ôm chân được chắc nhất. Chỉ một thay đổi nhỏ đó mang lại cảm giác khác hẳn cho mình.
Các thành phần tạo nên “step-in comfort” như miếng lót Ortholite, đệm Lunar đều rất ổn.
III. Độ Bám
Tuy chưa có cơ hội thử kỹ nhưng tại nền gỗ của KicksGeeks thì Exodus tỏ ra khá ổn định nhưng có lẽ vẫn cần break-in đôi chút để đạt được độ bám tốt nhất. Với lớp vân đế cực dày đặc, đa hướng, cá nhân mình thấy sẽ ít khi nào bạn bị trơn trượt khi đi đôi giày này.
Vấn đề duy nhất có thể xảy ra là việc bám bụi nếu phần đế cao su này cũng giống A.D. NXT 360. Sẽ an tâm hơn nếu bạn mua một bản không phải cao su trong nhưng với các nền sân indoor ở Việt Nam thì nó cũng không quan trọng lắm.
Độ bền đế của A.D. Exodus sẽ ở mức trung bình khá, rất chắc, cứng nhưng cách phân bố cùng mật độ tua tủa của nó thì sẽ khó mà chịu được xi măng lởm. Các bạn hay lết gót cũng cần thật cẩn thận kẻo bị hỏng Zoom ở gót như Kobe X.
IV. Bộ Đệm/Cushioning
Tuy chưa xác định được là Lunarlon hay Phylon nhưng phần mút (foam) mà A.D. Exodus sử dụng thật sự là êm và có độ nảy mũi. Chất liệu này khá căng và bạn có thể thấy rõ nó bị nén lại mỗi khi nhón chân hay nhấn xuống. Sức nảy rất nhẹ nhưng vẫn có và đảm bảo được sự ổn định/an toàn mà không bị cứng.
Phần Zoom gót thì hoạt động có vẻ ổn nếu bạn là một người hay chạy gót. Cá nhân mình chỉ cố tính thử nhất gót xuống để cảm nhận Zoom thì đều nhận được kết quả khá tốt. Nhìn chung phần đệm của bản Kobe này ổn hơn mình nghĩ, ít nhất thì bạn có được thêm miếng Zoom to chà bá trong khi giá lại rẻ hơn các bản AD cũ.
Một điều mình nhận thấy là transition từ gót sang mũi chưa mượt lắm thì phải.
V. Support
Fit khá ôm, gọn gàng cùng miếng chặn gót cũng như thiết kế bọc bàn chân rất tốt của Kobe A.D. Exodus khiến mình khá an tâm nếu chỉ đi thử. Tuy vậy đã có vài feedback cho rằng đôi này hơi “mềm” và cảm giác giống một đôi giày casual hơn. Cá nhân mình thì thấy nếu cột chặt lại dây để phần băng hai bên upper ôm chặt xuống thì tổng thể support của đôi giày không hề tệ tí nào.
Một chi tiết mới là phần đai từ “sợi tổng hợp” vắt qua ngay trước mũi chân. Tuy nó có phần giống Kyrie 3 nhưng tác dụng của nó ngược lại hoàn toàn. Kyrie 3 có thân giày rất cứng và phần “đai” của nó làm từ mút mềm để tăng độ linh hoạt, chống cấn chân. Còn Kobe Exodus thì rất mềm nên phần đai lại dùng để “giữ” lại bàn chân và tạo sự chắc chắn cần thiết.
VI. Tổng kết Kobe A.D. Exodus
Tuy chưa thể thử nghiệm được hết hiệu năng của phiên bản này nhưng có thể thấy đây là một sự thay đổi khá hay ho từ Nike. Phiên bản này gọn gàng hơn, có nhiều đệm hơn và dễ xỏ vào, dễ thắt dây hơn.
Với cái giá niêm yết là $140 thì 3850k tiền order cho một đôi Exodus là hơi cao. Các bạn nếu ham hố ngay lập tức thì hẵng rút hầu bao, còn không thì hãy đợi cho nó rơi vào tầm 3 triệu đồng là vừa đẹp.
Hiện tại KicksGeeks đang có sẵn một đôi size 10US. Xin liên hệ Facebook KicksGeeks nếu muốn mua hàng hay order size khác.