Phạm Văn Beo*
Trước thực trạng các hành vi gây ô nhiễm môi trường xảy ra ngày càng nhiều và nghiêm trọng ở nước ta, ngày 21/12/1999, Quốc hội đã thông qua toàn văn Bộ luật Hình sự năm 1999 và dành 10 điều luật trong Phần các tội phạm để quy định các hành vi phạm tội trong lĩnh vực môi trường tại Chương XVII. Trong đó, 03 hành vi trực tiếp gây ô nhiễm môi trường là: Tội gây ô nhiễm không khí (Điều 182), Tội gây ô nhiễm nguồn nước (Điều 183) và Tội gây ô nhiễm đất (Điều 184).
Tuy nhiên, kể từ khi ra đời, các điều luật này chưa từng được áp dụng mặc dù trên thực tế, những hành vi gây ô nhiễm môi trường vẫn thường xuyên diễn ra, nếu không muốn nói là diễn ra hết sức nghiêm trọng. Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, phần lớn hệ thống xử lý nước thải trong khu công nghiệp ở nước ta không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, xả trực tiếp vào nguồn tiếp nhận, 70% khu công nghiệp không có hệ thống xử lý nước thải. Năm 2007, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức 250 lượt kiểm tra, phát hiện hơn 80% doanh nghiệp bị kiểm tra có hành vi gây ô nhiễm môi trường. Thế nhưng, các cơ quan chức năng đã không thể khởi tố cá nhân về các tội gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí1.
Sở dĩ các vụ gây ô nhiễm môi trường nói trên không thể xử lý hình sự là vì Bộ luật Hình sự quy định các Tội gây ô nhiễm nguồn nước, Tội gây ô nhiễm không khí hoặc Tội gây ô nhiễm đất cần phải có dấu hiệu “đã bị xử phạt vi phạm hành chính” mà còn cố tình vi phạm mới cấu thành tội phạm. Theo pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, khi các cơ sở sản xuất (công ty/pháp nhân) có hành vi gây ô nhiễm môi trường, việc xử phạt hành chính sẽ được tiến hành đối với pháp nhân đó. Trong khi đó, Bộ luật Hình sự chỉ coi cá nhân là chủ thể của tội phạm. Do đó, khi các cơ quan chức năng muốn khởi tố người đứng đầu pháp nhân hoặc người trực tiếp điều hành việc xả thải gây ô nhiễm môi trường thì hành vi của anh ta không đủ yếu tố cấu thành tội phạm vì dấu hiệu “đã bị xử phạt hành chính” chưa được thỏa mãn.
Vụ gây ô nhiễm môi trường của công ty Vedan và hàng loạt các doanh nghiệp khác trong cả nước đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh các nhà lập pháp lẫn áp dụng pháp luật hình sự. Quả nhiên, tình hình tội phạm môi trường ở Việt Nam đã và đang ngày càng hết sức tinh vi, đa dạng và càng trở nên nghiêm trọng. Thực tế đó đã đặt ra cho các nhà lập pháp hình sự với hai phương án lựa chọn: (1) Quy định pháp nhân là chủ thể của tội phạm hoặc; (2) Sửa đổi cấu thành tội phạm của các hành vi gây ô nhiễm môi trường. Ngày 19-6-2009, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2010), trong đó có sửa đổi, bổ sung một số quy định các tội phạm về môi trường. Một sửa đổi quan trọng nhất là việc các nhà lập pháp đã gộp các Tội gây ô nhiễm không khí, Tội gây ô nhiễm nguồn nước, Tội gây ô nhiễm đất thành Tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009). Điều 182 quy định:
“1. Người nào thải vào không khí, nguồn nước, đất các chất gây ô nhiễm môi trường, phát tán bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải ở mức độ nghiêm trọng hoặc làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác, thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a. Có tổ chức;
b. Làm môi trường bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng khác.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.
Về bản chất, cấu thành tội phạm của Tội gây ô nhiễm môi trường đã được sửa đổi khác so với cấu thành tội phạm của ba hành vi gây ô nhiễm môi trường trong Bộ luật Hình sự năm 1999 chưa được sửa đổi, bổ sung. Đó là việc các nhà làm luật đã bỏ đi dấu hiệu “đã bị xử phạt hành chính” mà còn vi phạm. Chỉ cần việc xả thải ra môi trường nước, không khí và đất “vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải ở mức độ nghiêm trọng hoặc làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác” thì hành vi đã cấu thành tội phạm. Đây rõ ràng là một tiến bộ vượt bậc về mặt lập pháp. Nó khắc phục được hạn chế về cơ sở pháp lý để truy cứu trách nhiệm hình sự các cá nhân gây ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, kể từ khi Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa dổi, bổ sung năm 2009 có hiệu lực, vẫn chưa có một báo cáo nào cho thấy một cá nhân nào bị khởi tố về Tội gây ô nhiễm môi trường, mặc dù thực trạng ô nhiễm môi trường vẫn ngày đêm tiếp diễn. Sở dĩ như vậy là vì việc áp dụng Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 1999 còn khá nhiều vướng mắc.
Trước hết, dấu hiệu về mặt khách quan của Tội gây ô nhiễm môi trường là phải có hành vi “thải vào không khí, nguồn nước, đất các chất gây ô nhiễm môi trường, phát tán bức xạ, phóng xạ”. Hành vi này chỉ cấu thành tội phạm khi kèm theo một trong ba trường hợp sau:
– Vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải ở mức độ nghiêm trọng, hoặc;
– Làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, hoặc;
– Gây hậu quả nghiêm trọng.
– Có từ 02 (hai) thông số ô nhiễm thông thường vượt tiêu chuẩn Việt Nam về môi trường cho phép từ 05 (năm) lần trở lên;
– Có từ 02 (hai) thông số ô nhiễm nguy hại vượt tiêu chuẩn Việt Nam về môi trường cho phép từ 03 (ba) lần trở lên;
– Có một thông số ô nhiễm thông thường vượt tiêu chuẩn Việt Nam về môi trường cho phép từ 05 (năm) lần trở lên và 01 (một) thông số ô nhiễm nguy hại vượt tiêu chuẩn Việt Nam về môi trường cho phép từ 03 (ba) lần trở lên;
– Có giá trị trung bình của 02 (hai) thông số ô nhiễm vượt tiêu chuẩn Việt Nam về môi trường cao nhất từ 06 (sáu) lần trở lên;
– Có từ 02 (hai) thông số vượt tiêu chuẩn Việt Nam về môi trường trở lên và có ít nhất 01 (một) thông số ô nhiễm thông thường vượt tiêu chuẩn Việt Nam về môi trường từ 10 (mười) lần trở lên;
– Có từ 02 (hai) thông số vượt tiêu chuẩn Việt Nam về môi trường trở lên và có ít nhất 01 (một) thông số ô nhiễm thông thường vượt tiêu chuẩn Việt Nam về môi trường từ 05 (năm) lần trở lên;
– Có chứa chất phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường vượt mức cho phép;
– Có nhiệt độ nước thải lớn hơn 450C.
Tuy nhiên, cũng chưa thể đồng nhất được khái niệm “làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng” được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 1999 và khái niệm “cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng” trong Thông tư 07. Ngoài văn bản này ra, chưa có một văn bản nào khác hướng dẫn thế nào là “thải vào không khí, nguồn nước, đất các chất gây ô nhiễm môi trường, phát tán bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải ở mức độ nghiêm trọng, làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, gây hậu quả nghiêm trọng”. Đó là chưa kể, tại Điểm b Khoản 2 Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 1999 có quy định: “Làm môi trường bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng khác”. Các dấu hiệu (tình tiết định khung) này cũng chưa được hướng dẫn. Do vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng rất khó để có thể khởi tố về Tội gây ô nhiễm môi trường vì không có cơ sở pháp lý một cách rõ ràng.
Về tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”, hiện tại, có một số văn bản hướng dẫn đối với từng nhóm tội phạm trong từng lĩnh vực cụ thể. Chẳng hạn, Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC – VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25-12-2001 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV “Các tội xâm phạm sở hữu” của Bộ luật Hình sự năm 1999; Thông tư liên tịch só 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25-9-2001 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XV “Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình” của Bộ luật Hình sự năm 1999; Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17-4-2003 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999; Thông tư liên tịch số 19/2007/TTLT/BNN & PTNT-BTP-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 08-3-2007 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật Hình sự năm 1999 về các tội phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Tuy nhiên, không thể lấy “hậu quả” đã được hướng dẫn đối với các tội phạm trong các lĩnh vực khác để áp dụng cho Tội gây ô nhiễm môi trường.
Khó khăn thứ hai xuất phát từ chủ thể của tội phạm này. Một số quan điểm đã băn khoăn cho rằng câu chữ của điều luật quy định Tội gây ô nhiễm môi trường ghi: “Người nào xả thải” thì nhiều khả năng chúng ta chỉ bắt được người trực tiếp mở van xả thải chứ không bắt được người chỉ đạo mở van đó, thậm chí chỉ đạo xây dựng đường ống ngầm đó thì cũng không bị xử lý được. Do đó, Bộ luật Hình sự nên quy định trách nhiệm hình sự đối với người đứng đầu pháp nhân xa thải2. Luật Hình sự Việt Nam quy định chỉ có cá nhân mới là chủ thể của tội phạm. Tuy nhiên, luật không chỉ quy định trách nhiệm hình sự của những người trực tiếp phạm tội mà còn truy cứu trách nhiệm hình sự của những người đồng phạm. Khoản 1 Điều 20 Bộ luật Hình sự hiện hành quy định: “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”. Trong đồng phạm có 04 loại người là: Người tổ chức, người thực hành, người xúi giục và người giúp sức. Như vậy, trong trường hợp một người không trực tiếp thực hiện hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường nhưng tham gia với tư cách là người tổ chức, người xúi giục hoặc người giúp sức thì tùy tính chất, mức độ của hành vi cũng sẽ bị xử lý hình sự với vai trò là đồng phạm.
Tuy nhiên, một thực tế đang diễn ra khiến các cơ quan tiến hành tố tụng gặp không ít lúng túng là trường hợp những người đứng đầu pháp nhân bị thay đổi. Người đứng đầu mới của pháp nhân vừa được thay thế, nên lấy lý do là “không biết” sự việc xả thải của pháp nhân mình vào thời điểm trước đó và đổ lỗi cho người tiền nhiệm. Nếu các cơ quan tiến hành tố tụng không có giải pháp tốt thì sẽ bỏ lọt tội phạm.
Nguyên tắc trách nhiệm cá nhân chỉ ra rằng, chỉ người nào có hành vi phạm tội mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Mặt khác, những người đứng đầu pháp nhân có lỗi cố ý đối với việc xả thải và hậu quả ô nhiễm môi trường sẽ bị định tội với vai trò đồng phạm theo các quy định về đồng phạm của Bộ luật Hình sự hiện hành. Xuất phát từ những luận điểm này, khi có vấn đề thay đổi người đứng đầu pháp nhân có hành vi gây ô nhiễm môi trường xảy ra, các cơ quan tiến hành tố tụng nên tiến hành các công việc sau:
– Xác định rõ thời điểm xảy ra hành vi gây ô nhiễm môi trường. Đây là việc làm bình thường giống như tất cả các hành vi phạm tội khác. Khi xác định được thời điểm phạm tội, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ biết được vào thời điểm đó, người nào đứng đầu pháp nhân và khởi tố người đó. Điều đó là hiển nhiên. Chẳng hạn, sau khi bán nhà, người ta phát hiện trong căn nhà đó có tàng trữ chất ma túy được xác định là có từ thời ông chủ nhà chưa bán nhà. Dĩ nhiên, người chủ cũ phải chịu trách nhiệm trước tiên về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy.
– Làm rõ vấn đề của người đứng đầu mới của pháp nhân gây ô nhiễm môi trường. Trong trường hợp anh ta không có lỗi hoặc có lỗi vô ý đối với hậu quả gây ô nhiễm môi trường thì xem như anh ta có chứng cứ ngoại phạm. Trong trường hợp người này có lỗi cố ý (dù là cố ý trực tiếp hay gián tiếp) thì có thể bị khởi tố cũng về hành vi gây ô nhiễm môi trường với hậu quả được xác định trong phạm vi thời gian anh ta đứng đầu pháp nhân. Chẳng hạn, trở lại trường hợp ông chủ nhà tàng trữ trái phép chất ma túy. Ông này bán căn nhà cho người chủ mới nhưng không mang chất ma túy đó đi. Người chủ mới biết được và tiếp tục tàng trữ chất ma túy đó và coi nó như của mình. Dĩ nhiên, ông chủ mới sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy.
Vấn đề sau cùng khiến tác giả bài viết này băn khoăn là tâm lý của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc xử lý hình sự đối với người có hành vi gây ô nhiễm môi trường. Liệu họ có thẳng tay truy cứu trách nhiệm hình sự những người có hành vi gây ô nhiễm môi trường đã cấu thành tội phạm theo Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009? Kể từ khi được quy định trong Bộ luật Hình sự cho đến thời điểm này, các hành vi trực tiếp gây ô nhiễm môi trường chưa từng được xử lý hình sự. Hơn thế nữa, cấu thành tội phạm của tội phạm này cũng chưa được làm sáng tỏ. Thế nên, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ hết sức dè dặt trong việc xử lý hình sự đối với các hành vi này.
Có lẽ thấy trước được vấn đề, ngày 08-7-2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 72/2010/NĐ-CP quy định về phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường. Tại Khoản 3, 4 Điều 3 Nghị định này nêu rõ:
– Phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, nhanh chóng và có hiệu quả.
– Cơ quan, tổ chức, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tổ chức, người nước ngoài cư trú, hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật về môi trường và yêu cầu của cơ quan, cán bộ chuyên trách phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường trong khi thi hành công vụ.
Hy vọng các cơ quan có thẩm quyền, các cơ quan chuyên môn sớm ban hành các văn bản hướng dẫn những dấu hiệu về mặt khách quan của Tội gây ô nhiễm môi trường, như: “Vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải ở mức độ nghiêm trọng”, “làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng”, “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”. Trên cơ sở đó, các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng triệt để quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành về Tội gây ô nhiễm môi trường theo tinh thần của Nghị định số 72/2010/NĐ-CP. Có như thế, các hành vi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới dần được khống chế, tạo môi trường trong sạch cho Việt Nam phát triển kinh tế bền vững.
* TS., Trưởng Bộ môn Luật Tư pháp, Khoa Luật – Đại học Cần Thơ.
Nguồn: Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 4/2011